TRUNG TÂM SIM PHONG THỦY - SIM SỐ ĐẸP PHONG THỦY VIỆT NAM

Kinh Dịch là biến hóa, là lên xuống, là thành bại, hay dở

Thánh nhân xưa Viết Dịch ra sao? Quân tử nay Học Dịch thế nào? 

Cùng Simphongthuy.com.vn tìm hiểu thêm về Kinh Dịch qua bài viết sau đây.

Ta có thể chia Chương này thành 2 phần:

-Phần I gồm 4 Tiết đầu đề cập đến cung cách Thánh Hiền xưa viết Kinh Dịch.

-Phần II gồm 2 Tiết 5, 6 đề cập đến phương pháp chúng ta nên dùng để học Kinh Dịch.

A. Phần I

Tiết 1.

聖 人 設 卦 觀 象,繫 辭 焉 而 明 吉 凶。

Thánh nhân thiết quái quan tượng. Hệ Từ yên nhi minh cát hung.

Dịch. Tiết 1.

Thánh nhân lập Quẻ, lập Hào,

Hình dung hiện tượng, thấp cao, trong ngoài.

Quẻ thành, chau chuốt thêm lời,

Thêm lời bàn rõ sự đời cát hung.

Thánh nhân xưa đã vẽ ra quẻ, liền nghĩ ra được những cảnh tượng, những hoàn cảnh tương ứng. (Thánh nhân thiết quái quan tượng)

Ví dụ: vẽ ra quẻ Minh Di ta liền mường tượng đến cảnh tượng mặt trời bị trái đất khuất lấp, hoặc hiền thần bị hôn quân khuất lấp, hãm hại. Nên gọi tên quẻ là Địa Hỏa Minh Di. Đối với các vị Thánh nhân, thì cứ trông 64 quẻ, cũng suy ra được hoàn cảnh tương ứng. Cho nên Phục Hi chỉ vẽ quẻ, mà không cần chứa lời. (Đó là vị Thánh của Dịch Tiên thiên = Dịch không lời). Nhưng đối với đại chúng, nếu chỉ trông vào quẻ Dịch không, thì không có ý kiến gì hết, không hiểu gì hết. Vì thế Văn Vương, Chu Công, Khổng tử mới viết nên lời, để cho mọi người dễ bề học hỏi, và biết trong mỗi hoàn cảnh xử sự thế nào là hay, thế nào là dở (Hệ Từ yên nhi minh cát hung). Các ngài là những vị Thánh làm nên Dịch Hậu Thiên (Dịch có lời).

Tiết 2.

剛 柔 相 推 而 生 變 化 。

Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hoá.

Dịch. Tiết 2.

Cứng mềm đun đẩy tứ tung,

Muôn ngàn biến hoá trập trùng sinh sôi.

Ở ngoài thiên nhiên, 2 khí Âm Dương, hai chiều sáng tối, hai bên nóng lạnh đun đẩy lẫn nhau, mà biến hoá sinh ra. Trong Kinh Dịch, Thánh nhân cũng lấy 2 Hào Cương Nhu cho đắp đổi, giao dịch lẫn với nhau, mà sinh ra biến hoá(Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hoá).

Tiết 3.

是 故 , 吉 凶 者,失 得 之 象 也。悔 吝 者,懮 虞 之 象 也。

Thị cố cát hung giả. Đắc thất chi tượng dã. Hối lận giả. Ưu ngu chi tượng dã.

Dịch. Tiết 2.

Cát hung thành bại ở đời,

Việc thời đắc thất, quẻ thời cát hung.

Đem lời hối, lận, vân mòng,

Ưu sầu, tư lự trong lòng vẽ nên.

Xét nhân tình, thế thái, ta thấy: Công việc người làm có thành bại, đắc thất, tâm hồn có lúc lo, buồn. Cho nên Kinh Dịch cũng lấy 2 chữ Cát, Hung mà tượng trưng cho những chuyện thành bại, đắc thất; lấy 2 chữ Hối, Lận mà tượng trưng cho những nỗi ưu lo.

Tiết 4.

變 化 者 , 進 退 之 象 也 。 剛 柔 者 , 晝 夜 之 象 也 。六 爻 之 動,三 極 之 道 也 。

Biến hoá giả. Tiến thoái chi tượng dã. Cương nhu giả. Trú dạ chi tượng dã. Lục Hào chi động. Tam cực chi đạo dã.

Dịch. Tiết 4.

Quẻ, Hào chuyển hoá biến thiên,

Tượng trưng tiến thoái, đảo điên dưới trời

Đêm ngày mềm, cứng, vẽ vời,

Cương Nhu, mô tả lần hồi ngày đêm.

Sáu Hào chuyển động, biến thiên,

Tượng trưng tam cực, vô biên xoay vần.

Trong thiên nhiên, sự biến hóa của vạn vật có khi tiến, có khi lùi. Cho nên Kinh Dịch cũng lấy sự biến hoá của Hào, Quải mà tượng trưng cho sự tiến, thoái ấy (Biến hóa giả. Tiến thoái chi tượng dã).

-Tiến là Âm tiến Dương; Âm biến dần thành Dương.

-Thoái là Dương thoái Âm; Dương biến dần thành Âm.

-Biến là Âm biến thành Dương, Nhu biến thành Cương.

-Hoá là Dương hóa thành Âm; Cương biến thành Nhu.

Sự biến hoá trong Trời Đất, chẳng qua là những sự chuyển động, di dịch, phản ứng, giao thoa giữa 2 cực Âm, Dương, Tinh thần, Vật chất, Vô và Hữu, Vi và Hiển. Sáng và Tối vv (ghi chú: Hối = từ Hung mà chuyển sang Cát.Lận = từ Cát mà chuyển sang Hung).

Dịch có Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm. (Thiếu Dương, Thái Âm = Cương Nhu đã thành. Thiếu Dương, Thiếu Âm = Biến hoá đang diễn.)

Nên Kinh Dịch lấy 2 Hào Cương, Nhu mà tượng trưng cho Sáng và Tối, tức là 2 cực của sự biến hoá (Cương Nhu giả. Trú dạ chi tượng dã).

Sự biến hoá trong Trời đất bao quát mọi lãnh vực: Trời. Đất. Người.

Nên Kinh Dịch cũng dùng sáu Hào mà nói lên định luật phổ quát ấy:

Nơi quẻ Đơn thì:

- Hào trên là Thiên.

- Hào giữa là Nhân.

- Hào dưới là Địa.

Nơi quẻ Kép thì :

- Hai Hào trên là Thiên.

- Hai Hào giữa là Nhân.

- Hai Hào dưới là Địa.

Mà sự biến thiên thì không trừ một Hào nào. Thế tức là sự biến hoá là một hiện tượng phổ quát khắp cùng vũ trụ hữu hình, hữu tượng (Lục Hào chi động. Tam cực chi đạo dã).

B. Phần II

Tiết 5.

是 故, 君 子 所 居 而 安 者 , 易 之 序 也 。所 樂 而 玩 者,爻 之 辭 也 。

Thị cố quân tử sở cư nhi an giả. Dịch chi tự dã. Sở lạc nhi ngoạn giả. Hào chi từ dã.

Dịch. Tiết 5.

Cho nên quân tử, hiền nhân,

Sống theo đà Dịch, tinh thần khinh phiêu.

Vui cùng Hào, Quải sớm chiều,

Những lời lẽ Dịch chắt chiu bên lòng.

Kinh Dịch như vậy bao quát mọi sự biến hoá, và minh định mọi trường hợp, mọi thái độ dở, hay. Vì thế sau khi đã học Kinh Dịch, đã biết thứ tự mọi chuyện diễn biến trên đời, đã biết các giai đoạn, lớp lang trong đời sống con người, đã biết tuần Tiết của mọi công việc, đã biết chiều hướng và các giai đoạn biến hoá của Lịch sử; người quân tử sẽ sống ung dung, thư thái, không còn bị xao xuyến, háo hức (Thị cố quân tử sở cư nhi an giả. Dịch chi tự dã).

Người quân tử cũng có thể dùng sách Dịch, đọc lời lẽ của các Hào, các Quẻ để mua vui. Khi học Dịch đã thuần thục, sẽ thấy cái thú của Kinh Dịch. Đó chính là một túi khôn, một cuốn sách dạy ta nhiều điều nghĩa lý, thú vị (Sở lạc nhi ngoạn giả. Hào chi từ dã).

Tiết 6.

故,君 象,而 辭;動 變,而 占。是 之,吉 利。

Thị cố quân tử cư tắc quan kỳ tượng nhi ngoạn kỳ từ. Động tắc quan kỳ biến nhi ngoạn kỳ chiếm. Thị dĩ tự Thiên hựu chi. Cát vô bất lợi.

Dịch. Tiết 6.

Khi nhàn, từ, Tượng, gạn gùng,

Gạn gùng, suy cứu cho thông mới là.

Khi làm, lành dữ suy ra,

Theo chiều biến động, biết đà dở hay.

Trời cao phụ bật tháng ngày,

Làm gì mà chẳng gặp hay, gặp lành.

Cho nên người quân tử khi rỗi rãi nên đọc Dịch, nhìn vào các Quẻ, xem chúng có gợi cho mình tư tưởng, ý kiến gì hay không? Lại cũng nên đọc đi đọc lại các lời lẽ trong Kinh Dịch, để ngày một hiểu thêm nghĩa lý. Vì thực ra Kinh Dịch chỉ muốn dạy ta những định luật tự nhiên của Trời đất, và những cách thức xử sự cho hợp thời, hợp lý (Thị cố quân tử cư tắc quan kỳ tượng nhi ngoạn kỳ từ).

Khi đã quen với lề lối Kinh Dịch rồi, nghĩa là sau khi đã học biết cách xử sự làm sao, tùy hoàn cảnh, tùy địa vị, tài năng mình trong mỗi hoàn cảnh, thì đến lúc lâm sự, ta sẽ biết được chiều biến hoá của tình thế, của hoàn cảnh, mà ăn ở cho ngay, cho phải (Động tắc quan kỳ biến nhi ngoạn kỳ chiếm). Theo đúng định luật của Trời Đất, cố xử sự khéo léo trong mỗi hoàn cảnh, như vậy bao giờ chúng ta cũng gặp may, gặp lành; vì chúng ta đã theo đúng Luật Trời, đúng đường lối Trời, nên Trời sẽ giúp chúng ta (Thị dĩ tự Thiên hựu chi. Cát vô bất lợi).

1936, 1937, 1944, 1945, 1953, 1966, 1967, 1975, 1982, 1983, 1996, 1997, 2004, 2005, 2012, 2013

1936, 1937, 1944, 1945, 1953, 1966, 1967, 1975, 1982, 1983, 1996, 1997, 2004, 2005, 2012, 2013

1936, 1937, 1944, 1945, 1953, 1966, 1967, 1975, 1982, 1983, 1996, 1997, 2004, 2005, 2012, 2013

1936, 1937, 1944, 1945, 1953, 1966, 1967, 1975, 1982, 1983, 1996, 1997, 2004, 2005, 2012, 2013

1936, 1937, 1944, 1945, 1953, 1966, 1967, 1975, 1982, 1983, 1996, 1997, 2004, 2005, 2012, 2013